4 mức độ tiết kiệm cần biết để X3 tốc độ tiến tới độc lập tài chính.

Khoảng 5 năm trở lại đây, từ khi nghiên cứu sâu về tài chính cá nhân, Ngọc đã bắt đầu nghiên cứu một trào lưu đang phát triển mạnh ở Việt Nam có tên là độc lập tài chính.

Hiện nay, lối sống chú trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần, đầu tư vào bản thân ngày càng phát triển đã thúc đẩy nhiều bạn trẻ hướng đến mục tiêu độc lập tài chính càng sớm càng tốt (đặc biệt là các bạn trẻ gen Z). Khi đã độc lập về tài chính, bạn có thể làm những gì mình muốn mà không bị phụ thuộc vào bất kỳ người nào khác.

Vậy độc lập tài chính là gì? Làm thế nào để sớm tiến tới độc lập tài chính? Trong bài viết này, hãy cùng Ngọc tìm hiểu về khái niệm độc lập tài chính và 4 mức độ tiết kiệm để tiến tới độc lập tài chính nhanh hơn nhé!

Thế nào là độc lập tài chính?

Chúng ta vẫn thường được nghe mọi người nhắc đến “độc lập tài chính” hay “tự chủ kinh tế” trong hoàn cảnh mà doanh nghiệp hoặc cá nhân cần thoát ra khỏi sự phụ thuộc về tiền bạc. Ví dụ như công ty con muốn tự chủ tài chính khỏi công ty mẹ hay người vợ làm nội trợ muốn đi làm để độc lập kinh tế, không phụ thuộc vào đồng tiền người chồng mang về.

Trên thực tế độc lập tài chính cũng có nghĩa tương tự như vậy nhưng có thể toàn diện và triệt để hơn: 

Độc lập tài chính là việc bạn hoàn toàn tự chủ về tài chính, làm những thứ mình thích mà không bị giới hạn bởi tiền bạc. Đặc biệt, bạn có thể lựa chọn không làm việc mà vẫn có tiền cho các chi phí hàng ngày. Ngoài ra, độc lập tài chính là khi bạn có thể sử dụng tiền của mình phục vụ vào mục đích của bản thân mà không phải chịu ảnh hưởng hay sự can thiệp của bất kỳ ai (ngay cả cha mẹ, anh chị em thân thiết).

Có thể thấy, độc lập tài chính là lối sống hướng tới mục tiêu làm chủ hoàn toàn về mặt tài chính và tự quyết định cho cuộc sống của bản thân. Mục tiêu này được thực hiện bằng cách tiết kiệm và đầu tư tối thiểu 10-20% thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được (tiền mặt hoặc tiền trong quỹ đầu tư, tổng giá trị tài sản) bằng khoảng 25 lần số tiền chi tiêu cần thiết trong một năm.

Thu nhập ở đây sẽ có 2 nguồn thu nhập: Thu nhập chính và thu nhập thụ động, trong đó:

  • Thu nhập chính là nguồn thu nhập được tạo ra từ công việc chính hoặc doanh nghiệp của bạn. Nó có thể bao gồm lương, tiền thưởng, hoa hồng, thù lao, hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào từ công việc mà bạn đang làm.
  • Thu nhập thụ động là nguồn thu nhập tự sản sinh hàng tháng, như tiền lãi từ tài khoản tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản, hoặc doanh thu từ các sản phẩm hoặc dịch vụ tự động mà bạn đã tạo ra trước đó.

Độc lập tài chính không phải chỉ dành cho những người giàu có, có nhiều tiền, mà còn dành cho những người bình thường, không quá tài giỏi, có thể chỉ làm công việc bình thường (làm công ăn lương) nhưng có khả năng kỷ luật cao, tiết kiệm triệt để, có thể hy sinh những thú vui trước mắt (như ăn hàng, nghỉ dưỡng…) vì mục đích tài chính lớn phía trước.

Vậy phải có được bao nhiêu tiền mới được xem là độc lập tài chính?

Cần bao nhiêu tiền mới có thể độc lập tài chính?

Quy tắc này xuất phát từ một xuất bản năm 1994 của William Bengen – nhà tư vấn tài chính. Theo đó, ông đã sử dụng số liệu về đầu tư chứng khoán/trái phiếu tại Mỹ trong 50 năm, bao gồm cả giai đoạn thị trường đi xuống (từ năm 1930-1970), để nghiên cứu con số phần trăm (%) rút tiền để chi tiêu mà vẫn an toàn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng kể cả trong giai đoạn thị trường khó khăn, nhà đầu tư rút ra 4% mỗi năm thì danh mục đầu tư (portfolio) vẫn không hết tiền trong vòng 30 năm.

Từ quy tắc 4% này, chúng ta có thể ước lượng số tiền cần thiết để đạt được độc lập tài chính theo công thức:

Số tiền cần có để độc lập tài chính = Số tiền chi tiêu hàng năm x 25(nghịch đảo của 4%).

Giả sử bạn muốn 10 hoặc 20 năm sau mình sẽ ngừng làm việc, tự do sống theo lối sống lý tưởng của bạn, được tự do chọn làm việc mà bạn yêu thích, không còn phải bắt buộc đi làm kiếm tiền mỗi tháng. Với mức chi tiêu hiện tại, trung bình lạm phát mỗi năm là 4% thì bạn cần có số tiền bao nhiêu sau 10 năm nữa để đạt độc lập tài chính?

Ví dụ:

  • Nếu bạn đang còn độc thân, bây giờ tiêu 7 triệu, lạm phát 4% thì 10 năm nữa phải tiêu 10 triệu mới đủ. Vậy số tiền trung bình chi tiêu hàng tháng sau 10 năm nữa là 10 triệu đồng/tháng (nghĩa là 1 năm bạn sẽ chi tiêu 120 triệu/năm). Vậy số tiền bạn cần có để đạt được độc lập tài chính vào 10 năm sau là: 120.000.000 x 25 = 3.000.000.000 (3 tỷ).
  • Tương tự, hiện tại, nếu gia đình bạn chi tiêu tối thiểu hết 240 triệu đồng/năm (20 triệu đồng/tháng). Lạm phát 4% thì 20 năm sau, gia đình bạn sẽ cần chi tiêu 44 triệu/tháng, tương đương số tiền chi ra 1 năm sẽ là 528 triệu/năm. Vậy con số để gia đình đạt được độc lập tài chính vào 20 năm sau là: 528,000,000 x 25 = 13,200,000,000 (13 tỷ 200 triệu đồng).

Theo công thức trên chúng ta có thể thấy, để sớm đạt độc lập tài chính bạn có thể cắt giảm chi tiêu hàng tháng hoặc kiếm nhiều tiền hơn và trích ra 30-40% thu nhập để đầu tư. Phần đông, nếu muốn độc lập tài chính trước tuổi 50 thì mọi người cần tiết kiệm và đầu tư 40-60% thu nhập hàng tháng (bằng cách cắt giảm chi tiêu hoặc kiếm nhiều tiền hơn) để tiến được tới đích nhanh hơn.

4 mức độ tiết kiệm bạn cần biết để X3 tốc độ tiến tới độc lập tài chính

Mức độ 1: Không tiết kiệm.

Đây là mức độ thấp nhất, số tiền tiết kiệm bằng không, nghĩa là có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu. Hoặc kiếm được bao nhiêu sẽ tiêu sạch tiền vào những khoản mua sắm không cần thiết. Thu nhập hàng tháng thậm chí còn không đủ để chi trả cho những nhu cầu cơ bản hay sở thích cá nhân. Nếu bạn mãi ở mức độ này thì bạn sẽ không bao giờ đạt được độc lập tài chính. Để thoát khỏi tình trạng “ăn bữa nay, lo bữa mai”, có những khoản tiết kiệm đầu tiên, bạn có thể bắt tay ngay vào việc lập kế hoạch tài chính hàng tháng để bước đầu kiểm soát dòng tiền và việc chi tiêu của bản thân nhé!

>> Xem thêm: 6 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân.

Mức độ 2: Tiết kiệm để tiêu xài.

Ở mức độ này, tiền tiết kiệm được sử dụng để đáp ứng một vài nhu cầu mà người tiết kiệm đã lập kế hoạch từ trước, thường là kế hoạch ngắn hạn. Ví dụ như bạn có nhu cầu mua một chiếc điện thoại Iphone 15 Promax và cần có 35 triệu để mua chiếc điện thoại này. Nên bạn thường lập kế hoạch tiết kiệm và ngay khi tiết kiệm đủ, bạn tiến hành mua luôn.

Sau khi đạt được mục tiêu để ra, số tiền tiết kiệm của bạn lại quay về con số 0. Đây là mức độ tiết kiệm khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, như công thức Ngọc đã chia sẻ bên trên, để đạt độc lập tài chính trước 50 tuổi (thậm chí trước 40 tuổi) thì bạn không thể chỉ tiết kiệm để chi tiêu cho những mục đích ngắn hạn. Vì khi đó, số tiền bạn vừa tiết kiệm được đều chi tiêu hết ngay lập tức. Do đó, bạn cần có kế hoạch tiết kiệm lâu dài để đầu tư, tạo ra các nguồn thu nhập thụ động khác nhau.

Mức độ 3: Tiết kiệm để có khoản tích lũy.

Đây là xu hướng tiết kiệm an toàn được nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu lựa chọn. Số tiền còn dư sau khi đã chi trả cho chi phí cuộc sống hàng ngày sẽ được gửi vào tài khoản tiết kiệm với mục đích bảo toàn tài sản và nhận lãi định kỳ.

Hình thức tiết kiệm này dù không mang lại mức sinh lời cao và không bảo vệ giá trị tài sản khỏi lạm phát nhưng khá an toàn. Với mức tiết kiệm thứ 3 này, bạn có thể đạt độc lập tài chính nhưng sẽ cần nhiều thời gian và bạn cần có khả năng kiếm tiền tốt vì bạn chỉ có các nguồn thu nhập chính + tiền lãi sinh ra hàng năm. Với thu nhập thấp, bạn sẽ phải cắt giảm chi tiêu nhiều hơn hoặc làm thêm việc kiếm thêm thu nhập thì mới có thể đạt được độc lập tài chính sớm.

Nếu không, sẽ mất rất nhiều năm mới đạt được mức độc lập tài chính. Nhưng nếu xem độc lập tài chính là đích đến, biết đâu bạn sẽ có động lực để đưa thu nhập của mình lên cao hơn?

Mức độ 4: Tiết kiệm để đầu tư.

Đây là mức độ tiết kiệm thực sự giúp bạn tăng tốc độ đạt được độc lập tài chính. Thay vì tiết kiệm tiền để tiêu xài cho dự định ở tương lai hay gửi vào tài khoản tiết kiệm thì chúng ta sẽ dùng số tiền này để đầu tư nhằm dùng tiền đẻ ra tiền, tạo nguồn thu nhập thụ động.

Một số lĩnh vực đầu tư được ưa thích nhiều hiện nay gồm có bất động sản, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, vàng, crypto,… Để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, thông thường các nhà đầu tư tiến hành đa dạng danh mục đầu tư, tuyệt đối không “để tất cả trứng vào cùng một rổ”. Nếu lựa chọn được chiến lược đầu tư hiệu quả và thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, bạn hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu độc lập tài chính trong thời gian sớm nhất.

Bằng chứng là năm 2017, Ngọc cũng từng đầu tư vào thị trường Crypto. Chỉ với 30 triệu tích lũy trong thời gian đầu, mình đã có thể kiếm được 600 triệu trong thời gian cực ngắn khi thị trường đang lên.

Nên đây cũng chính là 1 trong những cách giúp bạn đạt được độc lập tài chính cực nhanh nếu đủ hiểu thị trường mình đầu tư và có chiến lược đúng vào từng thời điểm.

Hy vọng với bài viết trên, bạn sẽ có thêm góc nhìn mới về độc lập tài chính và cách thức để rút ngắn thời gian đạt được độc lập tài chính nhé! Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại nhắn tin để Ngọc hỗ trợ bạn nha.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top