Financial Plan- Bí quyết giúp bạn vượt qua mọi “cám dỗ” khi mua sắm.

Đã bao giờ bạn bị “cám dỗ” bởi những thủ thuật tâm lý kích cầu mua sắm như các chương trình “đại giảm giá” trên Lazada, Shopee, Black Friday,…hoặc dễ dàng bị chốt đơn hàng triệu chỉ qua 1 phiên livestream tình cờ xem được trên Tiktok?

Đây có thể là 1 trong những lý do đằng sau khiến bạn luôn trong tình trạng cháy túi khi chi quá tay cho việc mua hàng, tăng số lượng sản phẩm cần mua trong giở hàng so với dự kiến hàng tháng hay chấp nhận mua hàng có giá đắt hơn so với dự tính.

Thực tế, trước đây Ngọc cũng dễ dàng mua sắm quá độ và không giữ lại được đồng nào sau mỗi tháng. Tiền kiếm được cứ biến mất, để rồi cuối tháng lại phải loay hoay trong việc cơm áo gạo tiền.

Mãi đến sau này mình mới nhận ra, những thủ thuật này luôn được các nhà bán hàng áp dụng để thúc đẩy doanh thu hàng tháng. Nhưng nếu chúng ta biết cách kiểm soát tâm lý thì sẽ không bao giờ bị cám dỗ bởi những chiêu thức ấy. Thì sẽ biết rõ, mục đích mua từng món đồ trong thời điểm này là gì? Từ đó sẽ cân nhắc rất kỹ trước khi xuống tiền.

Một trong những cách giúp chúng ta luôn “giữ” lý trí đó là biết rõ mục đích mua sắm trong từng thời điểm và có kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Và để có kế hoạch chi tiêu rõ ràng thì bạn cần có bảng Financial Plan trước. Vậy, Financial Plan là gì? Đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc quản lý chi tiêu khi mua sắm?

Hãy cùng Ngọc tìm hiểu chi tiết thông qua bài viết dưới đây nhé!

Financial Plan là gì?

Financial Plan – Hay còn gọi là kế hoạch tài chính cá nhân – Là một bảng kế hoạch về việc sử dụng ngân sách cân đối dòng tiền thu nhập – chi tiêu – tích lũy – đầu tư của một cá nhân, thường gắn với tình hình tài chính hiện tại và có tính đến các rủi ro tài chính hoặc các sự kiện trong tương lai.

Các mục cần có trong bảng kế hoạch tài chính cá nhân bao gồm:

– Mục tiêu ngắn hạn/dài hạn.

– Khoản thu chi theo ngày/tháng/quý/năm.

– Hoạch định đầu tư.

– Hoạch định hưu trí.

– Hoạch định di sản và thừa kế.

– Quản trị rủi ro – phương án dự phòng.

– Hoạch định bảo hiểm.

– Hoạch định thuế.

Khi đã có 1 bảng kế hoạch tài chính chi tiết, bạn sẽ biết rất rõ mục tiêu tài chính trong tháng này là gì? Cần tiết kiệm bao nhiêu? Cần phân bổ dòng tiền như thế nào? Từ đó, bạn sẽ biết rõ tháng này cần chi tiêu cho những khoản nào và trích ra bao nhiêu để mua sắm.

>> Xem thêm: Financial Plan là gì?

Vì sao Financial Plan lại đóng vai trò quan trọng trong việc mua sắm?

Như Ngọc chia sẻ bên trên, nếu không có một kế hoạch tài chính cụ thể, bạn sẽ thường xuyên mua sắm theo cảm xúc. Vì khi tiêu tiền cho việc mua những món đồ mới, não bộ sẽ tự động sản sinh ra Dopamine khiến ta thấy hưng phấn, tạo ra cảm giác thoải mái ngắn hạn.

Financial Plan

Nhưng đồng thời cũng đi kèm với nhiều nhược điểm, đặc biệt là khi bạn không kiểm soát được thói quen mua sắm và dẫn đến áp lực tài chính không cần thiết.

>> Xem thêm: Lạm phát lối sống ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bạn?

Do đó, nếu có 1 bảng kế hoạch tài chính rõ ràng trong mỗi tháng, mỗi năm, bạn sẽ:

Quản lý thu nhập và chi tiêu: Financial Plan giúp bạn theo dõi thu nhập hàng tháng, chi phí, và các khoản nợ hiện có. Lúc này bạn sẽ hiểu rõ về thu nhập hàng tháng, chi phí cố định và biến đổi, nợ nần hiện có và khả năng thanh toán. Từ đây bạn sẽ nắm rõ chi phí cố định hàng tháng của mình là bao nhiêu và lập ngân sách chi tiêu dưới mức thu nhập hiện có.

Xác định được các mục tiêu tài chính: 1 trong những yếu tố quan trọng khiến chúng ta mua sắm không kiểm soát là vì không hiểu rõ, tại sao chúng ta phải tiết kiệm và giảm ngân sách chi tiêu? Nên khi lập được bảng kế hoạch tài chính, bạn sẽ biết rất rõ mục tiêu tiết kiệm là gì? Mục tiêu đầu tư là gì? Từ đó bạn sẽ tự đưa ra những phương pháp tiết kiệm, chi tiêu sao cho phù hợp nhu cầu với bản thân nhất.

Có thêm khoản tiền từ đầu tư: Trong bảng Financial Plan, không thể thiếu hạng mục đầu tư. Tất nhiên, bạn có thể tùy chỉnh thêm hoặc không thêm hạng mục này vào bảng kế hoạch (tùy vào mục tiêu tài chính của bạn). Nhưng từ đây, bạn cũng sẽ nắm rõ được dòng tiền của bản thân để có chiến lược đầu tư sao cho phù hợp nhất.

Thoát khỏi nợ nần: Tuy nợ là điều có thể không thể tránh khỏi vì sẽ có những lúc bạn cần tiền để mua nhà, xe, kinh doanh,… Nhưng khi liệt kê rõ từng khoản nợ, đối chiếu với thu nhập hiện tại, bạn sẽ biết cách cân đối giữa các khoản tiền: Thu nhập – chi tiêu – nợ nần để sớm trả hết số tiền đã vay.

Kế hoạch nghỉ hưu: Việc nghỉ hưu thoải mái phụ thuộc chủ yếu vào số tiền bạn đã tiết kiệm được để hỗ trợ bạn khi thời điểm đó đến. Cho dù mục tiêu của bạn là để lại di sản cho gia đình hay nghỉ hưu sớm, những thói quen chi tiêu hiện tại sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nghỉ hưu sau này của bạn.

Tóm lại, việc lập kế hoạch tài chính cá nhân – Financial Plan sẽ giúp bạn quản lý tài chính một cách hiệu quả, tiết kiệm tiền, mua sắm một cách thông minh và nâng cấp đời sống chất lượng hơn.

5 bước giúp bạn lập bảng Financial Plan trong việc mua sắm chi tiết.

Bước 1: Đánh giá tình hình thu nhập – chi tiêu hiện tại của bản thân.

Để đánh giá tình hình thu nhập-chi tiêu hiện tại, bạn có thể thu thập tất cả các hoá đơn định kỳ và ghi chú lại toàn bộ các khoản thu nhập trong 6 tháng gần nhất. Liệt kê các chi phí định kỳ và những khoản chi tiêu đột xuất thành những mục riêng biệt. 

Ví dụ: tiền thuê nhà, tiền điện, nước, điện thoại, internet, xăng xe… là chi phí định kỳ; trong khi đó tiền thuốc chữa bệnh, tiền sửa xe… là chi tiêu đột xuất.

Sau đó, bạn xác định rõ những khoản chi nào thực sự cần thiết và những khoản chi nào tức thời.

Bước 2: Xem xét cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Khi đã nắm rõ các khoản chi, bạn có thể xem xét cắt giảm các khoản chi không cần thiết như khoản mua sắm, xem phim, cafe, tiệc tùng,…

Bạn cũng có thể tìm kiếm thêm các nơi cung cấp dịch vụ có giá ưu đãi hơn cho các sản phẩm hay dịch vụ bạn dùng định kỳ như: thẻ tín dụng, xăng dầu, cước phí di động và dịch vụ Internet. 

Ví dụ, bạn có thể mua các đồ gia dụng trên Lazada, Shopee khi có giảm giá mỗi tháng thay vì ra siêu thị mua mỗi khi cần.

Hãy tận dụng tối đa các voucher nếu có nha. Ngọc cũng tiết kiệm được từ 10-12 triệu nhờ vào các đợt giảm giá, voucher này đó!

Bước 3: Xác định mục tiêu tài chính.

Việc xác định mục tiêu sẽ giúp bạn có thêm động lực hơn để tiết kiệm và mua sắm hợp lý hơn. Hãy lựa chọn một mục tiêu duy nhất vào mỗi thời điểm để không tự gây áp lực quá lớn cho bản thân.

Một số mục tiêu bạn có thể cân nhắc bao gồm: mua sắm nội thất, mua xe hơi, học cao học, lập gia đình, có con, xây sửa nhà, đi du lịch…

Bước 4: Lựa chọn những mục tiêu giúp bạn hiện thực hóa kế hoạch của mình.

Bạn không nhất thiết phải tiết kiệm đủ số tiền để thực hiện được tất cả các kế hoạch ngay lập tức. 

Nếu bạn cần một số tiền đáng kể cho kế hoạch của mình, hãy chia ra thành từng mục tiêu tiết kiệm nhỏ theo tháng hoặc theo quý để dễ thực hiện hơn.

 Bước 5: Đặt ra một ngân sách cho kế hoạch mua sắm.

Ngân sách này sẽ bao gồm tất cả các nhu cầu thiết yếu bạn đã liệt kê từ bước 1 sau khi cắt giảm tối đa các chi phí khác. Tuy nhiên, đừng loại bỏ hết tất cả các nhu cầu giải trí hay mua sắm bởi nó sẽ dễ khiến bạn nản chí với kế hoạch của mình.

Thay vào đó, bạn có thể trích ra 10% – 15% thu nhập cho việc mua sắm sau khi phân bổ tối thiểu 10-20% cho khoản tiết kiệm và các khoản đầu tư cá nhân, và 50-60% thu nhập cho chi phí thiết yếu. Như thế bạn vừa có thể mua sắm mà vẫn có dư ra một khoản để tiết kiệm, đầu tư.

Hy vọng với bài viết trên, bạn có thể nắm thêm 1 bí quyết để không chi tiêu quá đà cho việc mua sắm nha. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, thì đừng ngần ngại nhắn tin để Ngọc hỗ trợ bạn nhé!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top